top of page

Vì Sao Chúng Ta Cô Đơn?

Writer's picture: HappyIntrovert HappyIntrovert

Loài người hội tụ những sợi dây vô hình kết nối các luồng cảm xúc khác nhau. Về mặt thể chất, con người ngay từ khi lọt lòng đã khao khát sự êm ái dễ chịu. Về mặt tinh thần, bản năng của con người chúng ta là mong muốn được xoa dịu và sẻ chia qua những lời khuyên, sự giúp đỡ từ người khác. Về mặt tình cảm, con người đề cao sự gắn kết thân mật giữa người với người và duy trì các mối quan hệ.

Vậy điều gì xảy ra nếu những sợi dây kết nối kia bị đứt đoạn? Đó là lúc nỗi cô đơn hình thành.

Ở một mình và cảm thấy cô đơn là hai trạng thái cảm xúc khác biệt. Bởi nỗi cô đơn có thể hiện hữu ngay khi ta đang ở giữa đám đông. Có những người sống trong các bữa tiệc, đứng trước bao bạn bè, vẫn cảm thấy cô đơn vô cùng. Thậm chí dù trong những mối quan hệ thân thiết, đôi khi chúng ta bị kìm hãm và chịu đựng sức nặng vô hình của nó. Nỗi cô đơn rất dễ hình thành sau khi con người trải qua những đổ vỡ trong các mối quan hệ, có thể là tình yêu, tình bạn hay các mối quan hệ xã hội khác. Ta chịu đựng và dày vò bản thân với một nỗi đau đớn mất mát. Ta tự nhủ rằng sẽ không bao giờ có thêm tình yêu nào khác, rằng hạnh phúc sẽ chẳng tìm đến ta nữa, là lỗi của ta khi không gìn giữ được mối quan hệ vốn rất tốt đẹp này. Thông thường, sau khi chia tay, con người rơi vào cái bẫy và bị đánh lừa bởi những cảm xúc tiêu cực. Ta không chỉ cảm thấy cô đơn mà hơn thế, ta xấu hổ vì nghĩ rằng bản thân mình vốn không “đủ tốt”.

Vậy làm thế nào để chúng ta đối phó và vượt qua nỗi cô đơn?



Trước tiên cần phải thừa nhận sự tồn tại của nó trong cuộc sống hằng ngày. Học cách chấp nhận rằng mình đang đối diện với những cảm xúc ấy thay vì né tránh và đánh lạc hướng chúng. Nỗi cô đơn được xoa dịu bởi lòng trắc ẩn, ta vượt qua bằng khả năng ta tự chăm sóc bản thân theo cách mà chúng ta mong muốn từ người khác. “Chúng ta chấp nhận thứ tình cảm mà chúng ta nghĩ mình xứng đáng nhận được” – trích dẫn bởi Stephen Chbosky trong The Perkes of Being a Wallflower (Điệu Vũ Bên Lề). Thay vì chôn vùi bản thân vào cái hố sâu vô hình của nỗi cô đơn và cảm thấy an toàn thoải mái ở đó, ta nên bắt đầu có cái nhìn thực tế hơn về những gì xảy ra trong mối quan hệ đổ vỡ. Có phải nguyên nhân chính nằm ở ta, là ta đã hủy hoại nó? Liệu ta đã cố gắng thay đổi bản thân nhằm níu giữ mối quan hệ này? Có phải ta thấy cô đơn mỗi khi nhớ về đối phương, hay thực ra ta nhớ cái sự lý tưởng hóa khi mối quan hệ này còn tồn tại? Đây là những câu hỏi để thành thực với chính mình.

Cô đơn không chỉ xuất phát từ nỗi đau, nó là hệ quả của sự thiếu xác thực trong nhiều mối quan hệ nói chung. Nếu ta ngờ vực mối quan hệ với người khác, chẳng hạn như nhận ra đối phương không thực sự biết đến con người thật của mình, đây chính là lúc ta nên tự hỏi mối quan hệ này: thực hay hư. Vốn dĩ, rất nhiều người cố gắng duy trì tình bạn với những người ta không thực sự thích. Bởi họ có lối suy nghĩ ‘thà có còn hơn không’. Tuy nhiên, nó không dừng lại ở trắng và đen, có bạn và không có bạn. Cuộc sống đích thực là khi ta tìm thấy và ở gần những người có chung lẽ sống, lý tưởng với mình. Khi làm được điều này, những mối quan hệ xã giao bỗng tự nhiên trở nên nhạt nhòa và xa cách. Cố gắng trói buộc mối quan hệ với những người không cùng tư tưởng chỉ khiến nỗi cô đơn thêm bủa vây tâm trí ta mà thôi. Mặt khác, nhiều người đổ lỗi cho sự thiếu thốn tình cảm khi còn nhỏ đã hình thành nên cảm giác cô đơn tự lúc nào không hay. Điều này đúng nhưng lại không đúng. Chúng ta không thiếu sót, thực chất là chúng ta bị thương. Những vết thương tâm hồn đã dẫn đến sự gắn bó, tình cảm thiếu lành mạnh với những người ta gặp trong đời. Kết quả là ta thấy khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề tâm lý, từ đó cảm thấy chán nản và mất đi niềm lạc quan. Sau cô đơn là trầm cảm. Những vết thương đó lại càng thêm nghiêm trọng, xuất hiện nhiều hơn tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến tâm trí không tìm thấy lối thoát. Trên thực tế, rất nhiều người rơi vào vòng luẩn quẩn này. Và không phải ai cũng vượt qua được nó, trừ khi họ tìm thấy hy vọng, hay một giải pháp.

Thực chất, chúng ta cần sự giúp đỡ. Giống như khi thấy một con vật với những vết thương chằng chịt đang nằm trên lề đường, bạn có cứu lấy nó, chăm sóc và nuôi dưỡng nó để nó sống vui khỏe trở lại? Nếu có, hãy đối xử với bản thân mình như một con thú bị thương, hoặc như một đứa trẻ đã không nhận được đầy đủ sự nâng niu. Cô đơn là một lựa chọn. Chúng ta có đủ khả năng để chữa lành các vết thương do nỗi cô đơn ấy gây nên. Điều quan trọng là ta cần phải nhận biết được nguyên nhân gốc rễ tạo nên cảm giác cô đơn, từ đó tháo gỡ những nút thắt cản trợ các sợi dây nối kết cảm xúc như ban đầu.

Chúng ta không cô đơn, chưa từng và sẽ không bao giờ cô đơn! ============== Vivian Dao Dịch - bởi A Happy Introvert Nguồn: Hannah Rose LCPC. Why Am I So Lonely. PsychologyToday. Ảnh: designyourtrust.com

49 views0 comments

Comments


Post: Blog2_Post

©2019 by A Happy Introvert. Proudly created with Wix.com

bottom of page