top of page

7 Thực Hành Theo Chủ Nghĩa Khắc Kỷ Giúp Bạn Lý Tưởng Hóa Bản Thân Trong Năm 2020.

Writer's picture: HappyIntrovert HappyIntrovert

Theo lịch âm, chỉ còn ít giờ nữa chúng ta sẽ đón năm Canh Tý 2020. Các bạn đã hoàn thiện danh sách những mục tiêu cần làm hay lên kế hoạch gì cho năm mới chưa? Những gợi ý dưới đây biết đâu sẽ là hành trang giúp bạn đạt được những thành công mới đó. Hãy cùng A.H.I xem hành trang đó là gì nhé!


“Bạn định chờ bao lâu nữa cho tới khi đòi hỏi điều tốt nhất cho bản thân bạn?” - Epictetus

Vào khoảng thời gian cuối năm, chúng ta thường trở nên suy tư hơn. Chúng ta nghĩ về năm vừa qua đã bắt đầu như thế nào, chúng ta đang ở đâu, và chúng ta có thay đổi nhiều không hay vẫn chưa thay đổi. Ta phản ánh về những gì ta đã có thể làm tốt hơn nữa, cách chúng ta đối xử với người khác, và những thứ chưa làm được. Chính vì điều này, chúng ta đưa ra các giải pháp. Chẳng hạn như, ta đã nói rằng năm tới sẽ ngừng hút thuốc và bắt đầu tập luyện. Năm mới bắt đầu và sau đó, khi khó khăn đầu tiên mới chỉ thoảng qua, ta lại đi vào lối mòn. Ta châm điếu thuốc, đả kích người bạn đời của mình, và tiếp tục chịu đựng những cảm xúc tiêu cực liên quan đến việc làm bản thân thất vọng!


Việc thay đổi thói quen hầu như chưa bao giờ là dễ dàng nhưng điều đó không thay đổi được thực tế là nó cần phải được thực hiện. Những người theo Chủ nghĩa khắc kỷ đã hiểu điều này và các bài viết của họ liên tục chứa đựng những lời nhắn nhủ bản thân phải hành động có đạo đức (nguyên văn: act virtuously). Những suy tưởng của Marcus Aurelius có tựa đề gốc là Τὰ εἰς ἑαυτόν hoặc, Gửi Chính Mình. Sự tự cải thiện bản thân là một thực hành không ngừng và là cơ hội để thực hành ở mọi nơi. Với suy nghĩ này, dưới đây là một vài thực hành theo Chủ nghĩa khắc kỷ có thể giúp chúng ta trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bất kể bạn đến từ đâu hoặc hoàn cảnh của bạn ra sao.


1. Tìm những tấm gương sáng và những người truyền cảm hứng cho bạn để học hỏi theo.


“Nêu lên những đặc điểm tính cách của người mà bạn ngưỡng mộ nhất và làm theo cách cư xử của họ, lời nói và hành vi như là của riêng bạn. Việc này không có gì là sai cả. Chúng ta đều mang hạt giống của sự vĩ đại bên trong ta, nhưng ta cần một hình ảnh làm điểm nhấn để những hạt giống đó có thể nảy mầm” – Theo Epictetus, Nghệ thuật của sự sinh tồn.


Đó cũng là lý do mà Những Suy Tưởng của Marcus Aurelius bắt đầu bằng việc ông dành lời cảm ơn tới tất cả những người đã góp phần trong sự phát triển tính cách của ông. Không ai trong chúng ta ngay từ đầu đã biết mọi thứ cần làm để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Quả thực, trước khi ta biết nên làm bất cứ điều gì, ta học bằng cách quan sát những người xung quanh, do vậy Marcus dành lời cảm ơn tới, trong số nhiều người, chính là người ông đã dạy về “đạo đức và sự cai trị tính khí”. Và tới người mẹ đã dạy về “đức hạnh và lòng trung thành, và sự tiết chế, không chỉ từ những hành động xấu xa mà thậm chí từ những suy nghĩ xấu xa.”


Giờ đây, không phải tất cả chúng ta đều có đặc quyền được vây quanh bởi những người là nguồn cảm hứng bất tận. Nhưng may mắn thay, chúng ta sống trong một thời đại mà ở đó trí tuệ của những người vĩ đại nhất từng sống, có sẵn trong tầm tay của chúng ta. Tất cả những gì ta cần phải làm đó là tìm kiếm chúng và ta sẽ học được ý nghĩa của việc sống với công lý, mục đích, sức mạnh, lòng can đảm và niềm hạnh phúc. Nếu bạn muốn học thêm về việc trở nên bình tĩnh dưới áp lực có ý nghĩa gì năm tới đây, hãy tìm hiểu những lời dạy của Marcus Aurelius. Khi bạn đối mặt với một nỗi khổ cực trong cuộc sống và không chắc phải phản hồi như thế nào, tự hỏi mình xem liệu ông ấy sẽ làm gì, và cố gắng làm theo. Nếu bạn cần một ví dụ hiện đại hơn nói về sự dẻo dai của tinh thần, hãy tìm hiểu thêm về David Goggins.


2. Đọc càng thường xuyên càng tốt.


“Hãy cho bản thân thời gian để học hỏi cái gì đó mới mẻ và tốt đẹp, để tâm trí không còn bị rối bời nữa.” – Theo Marcus Aurelius, Những Suy Tưởng.


Lối tắt tuyệt vời nhất để tìm hiểu về những người mà ta muốn học hỏi theo chính là học để đọc. Đây cũng là con đường ngắn nhất để cải thiện bản thân. Đặc biệt là ngày nay, khi ta truy cập được hầu hết tất cả các kiến thức trên thế giới này, và một trong số những kiến thức đó có niên đại tới hàng triệu năm. Điều này nhắc nhở con người về sự phù du của chính chúng ta và lý giải tầm quan trọng của việc không lãng phí bất cứ thời gian nào ta tồn tại trên trái đất này. Thiết nghĩ không có lý do gì mà chúng ta lại không khai thác những kiến thức hàng thiên niên kỷ với tất cả sự hữu ích mà nó mang lại. Từ khóa được nhấn mạnh ở đây là “hữu ích”. Trong một thế giới nơi mà nhịp sống đang ngày càng tăng tốc, dường như ta không có thời gian để đọc. Quả thực, ta có nhiều những mối bận tâm lớn hơn. Những áp lực từ trường học, công việc, việc làm cha mẹ, tất cả đều đè nặng lên chúng ta. Nhưng chẳng phải sẽ tốt hơn nếu ta học cách không để những gánh nặng kia ảnh hưởng ta nhiều như vậy sao? Chúng ta có rất nhiều lựa chọn để tiếp thu những kiến thức hữu dụng mà nhân loại để lại. Ngoài việc mua những quyển mà giá thành chưa tới một trăm nghìn đồng, ta cũng có thể nghe ‘sách nói’ (audiobook) trong khi đi dạo hay là rửa bát.


Vấn đề là, cuộc sống có thể trở nên mệt mỏi, các thay đổi xảy đến nhanh chóng và chúng ta đã có thể tìm cách trang bị tốt hơn cho bản thân. Ai cũng mắc sai lầm. Nhưng ta sẽ tránh được chúng rất nhiều sau này bằng cách học hỏi những sai lầm từ người khác.

3. Học đi đôi với hành.


Dù là 5 phút hay 5 tiếng đọc sách cũng sẽ là phí hoài nếu ta không đưa những thứ mình học được vào thực tiễn.


Mục đích của việc học hỏi triết học Khắc Kỷ là để cải thiện mọi khía cạnh khác trong cuộc sống. Chủ nghĩa Khắc Kỷ không màng đến việc tranh luận liệu ý chí tự do (free will) có tồn tại hay không và những lý thuyết phức tạp khác về thế giới mà nó giúp chúng ta vượt qua những cảm xúc mang tính hủy hoại và hành động theo những gì có thể làm. Mục đích của chủ nghĩa này là giữ con người bình tĩnh khi chịu áp lực và tập trung vào các lý tưởng của bản thân mà không bận tâm tới những thứ khác. Trong những đoạn trích dẫn trên, Marcus Aurelius đã nhận thấy rằng con người thực sự có rất nhiều điều phải thực hành để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Những điều này có thể được tiếp thu thông qua các lý thuyết, nhưng sẽ chỉ được lĩnh hội đầy đủ thông qua các trải nghiệm sống. Bạn hoàn toàn không nhận ra sức mạnh của việc buông bỏ sự tức giận, cho tới khi bạn làm điều đó trong những tình huống khó khăn nhất. Cho tới khi bạn thấy được việc làm đó mang lại bình yên biết bao nhiêu. Tất cả những điều này đang khiến bạn mạnh mẽ hơn và càng có khả năng chịu đựng những thử thách trong tương lai mà bạn sẽ phải đối mặt.


Những cuốn sách ở đó không chỉ để giữ bạn khỏi việc bị phân tâm, không thể học hỏi từ trải nghiệm, và từ đó lặp lại những sai lầm tương tự. Chúng ở đó để ta tìm đến mỗi khi ta cần tư vấn, mỗi khi ta cần nhắc nhở bản thân làm thế nào để đối phó với cơn giận và học cách nắm bắt lấy khó khăn thay vì bị cảm xúc chi phối và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.


4. Nắm bắt lấy những khó khăn


“Chướng ngại vật tới hành động thúc đẩy hành động. Nơi bị cản đường chính là con đường cần phải đi” – Marcus Aurelius. Những Suy Tưởng.


Yếu tố quyết định lớn nhất đối với số phận của chúng ta nằm ở cách chúng ta phản ứng với các sự việc. Không phải ở bản chất của sự việc. Hãy nghĩ về những người mà bạn ngưỡng mộ nhất, đó là những người đã vượt qua vô vàn khó khăn và để chúng làm cho họ trở nên tốt hơn và mạnh mẽ hơn. Mỗi khi có chuyện không hay xảy ra, đừng để bản năng khiến bạn lẩn tránh nó. Hãy để nó là một cơ hội để học hỏi, và khám phá ra ưu điểm của bản thân. Bạn càng vượt qua nhiều khó khăn, bạn càng mạnh mẽ hơn.


Theo lời của Seneca, “Không gì bất hạnh hơn một người chưa từng bất hạnh. Bởi ngay cả việc thử sức mình, người đó cũng không làm được.”

Hàng năm, chúng ta đưa ra giải pháp và rồi đưa ra lý do ta không thực hiện những giải pháp đó bởi ta nhượng bộ trước dấu hiệu đầu tiên của thử thách. Điều duy nhất đảm bảo giúp ta trở nên tốt hơn chính là giữ lời hứa với bản thân. Thử thách không cần phải là một việc gì to tát hay một bi kịch, chúng ta đều trải qua chút ít thử thách hàng ngày. Ta có định để việc tắc nghẽn giao thông lấy đi hơn một giờ đồng hồ hủy hoại cả một ngày của mình hay ta sẽ sử dụng thời gian chờ đợi để thực hành tính kiên nhẫn?


5. Dành dụm thời gian.


“Không phải là ta chỉ có thời gian ngắn ngủi để sống, mà là ta đã lãng phí rất nhiều” – Seneca, Trong sự Ngắn ngủi của Cuộc đời.


Một trong những điều tệ nhất về việc không thực hiện các giải pháp chính là sự hối hận khi năm tháng trôi qua. Để rồi ta đi hết cuộc đời và nhận ra ta đã lãng phí bao nhiêu thời gian, ta có được những gì. Ta nhận ra tất cả những lần để sự nóng giận lấn át khi nó nằm trong khả năng kiểm soát của mình, nó đã tác động tiêu cực nhường nào đến cuộc sống của ta.


Việc tận dụng tất cả thời gian không có nghĩa là tìm cách để bản thân luôn bận rộn, mà là tận dụng mỗi khoảnh khắc như một cơ hội để thực hành với sự trân trọng. Thời gian của chúng ta không phải để lướt mạng xã hội trong vô thức hay nảy sinh những cơn bốc đồng để thỏa mãn bản thân, mà là để làm những việc ta thực sự quan tâm, khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn, và hỗ trợ cộng đồng.


6. Hành động một cách có đạo đức.


“Việc của bạn là cư xử khiêm tốn và kiên định với những lý tưởng đạo đức của mình” – Epictetus, Nghệ thuật của sự sinh tồn.


Những người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ tin rằng việc trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân nằm ở mức độ thường xuyên mà ta thực hành theo bốn phẩm cách. Trí tuệ (Wisdom), Sự Kiềm chế (Temperance), Công lý (Justice) và Can đảm (Courage). Bằng cách để việc theo đuổi trí tuệ là một trong những mục tiêu chính trong năm 2020, ta có thể an tâm rằng dù có chuyện gì xảy ra, ta sẽ được chuẩn bị để học hỏi từ chúng. Bằng cách thực hành sự kiềm chế, ta sẽ không để cảm xúc của ta lấn át bản thân. Và bằng cách thực hành công lý, ta sẽ biết dù kết quả có ra sao, ta sẽ luôn cố gắng làm điều đúng đắn. Điều này không dễ dàng, nhưng đó không phải điểm mấu chốt. Mấu chốt ở đây là việc thực hành những phẩm cách này thường xuyên là con đường dẫn tới sự tự cải thiện và trở thành bản thân lý tưởng.

7. Học cách tha thứ.


Bản năng của con người là đay nghiến khi ai đó đối xử tệ với ta hoặc khi chính ta làm sai. Nhưng điều này sẽ chỉ ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Nếu chúng ta không thể tha thứ cho những người đã làm sai, chúng ta sẽ tự che lấp những mối quan hệ trong tương lai với các vết sẹo mà người làm tổn thương ta để lại. Và bằng cách không tha thứ cho bản thân, ta ngăn bản thân bước về phía trước và trở nên tốt đẹp hơn. Tha thứ là để quá khứ qua đi, bằng cách này chúng ta mới có thể ngừng làm nô lệ cho những điều tồi tệ đã xảy ra và trở thành bản thân lý tưởng!


Vivian Dao Biên Dịch - A Happy Introvert ================= Nguồn: 7 Stoic Practices To Help You Become Your Ideal Self in 2020. DailyStoic.com Ảnh: Redbubble.com

24 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


Post: Blog2_Post

©2019 by A Happy Introvert. Proudly created with Wix.com

bottom of page