Các vị thần đã trừng phạt Narcissus bằng cách để chàng sống một cuộc đời thiếu đi tình yêu của con người. Chàng đã phải lòng chính sự phản chiếu của bản thân trong hồ nước để rồi ngày qua ngày, chàng cứ ngồi đó ngắm mình cho đến khi chết đi. Cũng giống như Narcissus, người ái kỷ chỉ “yêu” hình ảnh phản chiếu của bản thân. Nhưng đôi khi, họ lại cực kì căm ghét chính mình. Sự tâng bốc, cầu toàn và kiêu ngạo của họ đơn thuần chỉ để che đậy cho sự ghê tởm về bản thân mà họ không chịu thừa nhận. Nỗi căm ghét ấy, tuy nhiên, lại trở thành sự khinh miệt và chỉ trích người khác. Họ quá sợ nhìn vào chính mình, vì họ tin rằng sự thật sẽ hủy hoại họ. Tình cảm của những người ái kỷ có thể đã chết từ bên trong với khao khát được lấp đầy khoảng trống bởi sự công nhận của người khác.
![](https://static.wixstatic.com/media/bdee11_b779c41d56ce44caab725b0b82696233~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_596,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_avif,quality_auto/bdee11_b779c41d56ce44caab725b0b82696233~mv2.jpg)
Chẩn đoán: Khi nói đến người ái kỉ, chúng ta hình dung ra ai đó với một bản ngã bị thổi phồng (inflated ego) - một người hống hách và kiêu ngạo, luôn cho mình là đúng. Để được chuẩn đoán là Rối Loại Nhân Cách Ái Kỉ (Narcissistic Personality Disorder), người đó phải có ít nhất năm trong những tính cách được liệt kê dưới đây (Theo DSM-5)*
1. Hoang tưởng về tầm quan trọng của bản thân; phóng đại những thành tựu và tài năng của mình. 2. Mơ mộng về quyền lực vô hạn, thành công, tài hoa, cái đẹp, hoặc là tình yêu lý tưởng. 3. Tin rằng mình là người đặc biệt và duy nhất, chỉ kết giao hoặc được hiểu bởi những người có địa vị cao. 4. Thèm muốn sự ngưỡng mộ quá mức. 5. Mong đợi được đối đãi đặc biệt và thỏa mãn nguyện vọng vô điều kiện. 6. Tận dụng và khai thác thế mạnh của người khác để đạt được mục đích cuối cùng của bản thân. 7. Thiếu đi sự cảm thông với cảm xúc và nguyện vọng của người khác. 8. Đố kị với người khác và luôn nghĩ người khác đang ganh tị với mình. 9. Có những hành vi, thái độ kiêu ngạo.
Không chỉ nêu rõ triệu chứng rối loạn “Ái kỉ thái quá’ được mô tả như trên, James Masterson còn nhận diện thêm một dạng “Ái kỉ ngầm” (Closet Narcissists) – nói tới những người hay chán nản, có khái niệm không hoàn chỉnh về bản thân, có cảm giác tự kỉ với một nội tâm trống rỗng. Họ được nói tới như những người “Ái kỉ hướng nội” (Introverted Narcissists). Còn “Ái kỉ hiểm ác” (Maligant Narcissists) là kiểu người hung hăng và nguy hiểm nhất, dẫn tới những hành vi chống đối xã hội. Họ có thể trở nên độc ác và căm hận khi cảm thấy bị đe dọa hoặc không có được thứ như mong muốn.
Giai Đoạn Đầu
Thật khó để đồng cảm với những người yêu bản thân mình thái quá, nhưng họ không hề lựa chọn để trở nên như vậy. Sự phát triển hình thành nên tính cách của người ái kỷ bắt nguồn từ cách nuôi dạy sớm đã lệch lạc của cha mẹ. Một số tin rằng nguyên nhân nằm ở sự chiều chuộng quá mức của người mẹ đối với đứa trẻ, những người khác lại khẳng định sự khắt khe của cha mẹ hay chỉ trích con cái mới là yếu tố đóng vai trò chủ chốt. Mặc dù câu hỏi cần thêm rất nhiều nghiên cứu nữa để giải đáp, các cuộc khảo sát và nghiên cứu những cặp sinh đôi đã khám phá được một thành phần gien chiếm đến 64% tương thích với những hành vi ái kỷ.
Nhà phân tâm học Heinz Kohut quan sát và cho biết rằng những bệnh nhân rối loạn ái kỉ phải chịu đựng hoàn toàn sự ghét bỏ, trống trải, bất lực và vô nghĩa. Ẩn sau vẻ ngoài ấy là sự thiếu hụt đi những kết cấu nội tâm đóng vai trò trong việc duy trì sự nhận thức tích cực về bản thân cũng như hoàn thiện một ‘cái tôi’ ổn định. Những người ái kỷ không thể phân biệt được ranh giới giữa bản thân họ và những người khác, họ do dự trước sự phô trương bản thân và sự thấp hèn. Chính bởi sự hổ thẹn, cái tôi bị chia rẽ thành hai phần, một phần hình thành nên vẻ trịnh thượng, thích phô trương bản thân, phần còn lại là cái tôi bị hạ thấp. Khi cái tôi bị hạ thấp ở vị trí kém cỏi, sự hổ thẹn được bộc lộ một cách hiển nhiên bằng việc lý tưởng hóa những người khác. Còn khi cá nhân ở vị trí hơn người thì cá nhân ấy lập tức chống lại sự hổ thẹn, cái tôi ngạo mạn lúc này định hướng nội tâm dẫn tới sự phê phán, chỉ trích và hạ thấp người khác. Cả hai sự tự hạ thấp giá trị và lý tưởng hóa này đều thể hiện nỗi đau khổ lên tới đỉnh điểm của cá nhân đó.
Mối quan hệ với một người ái kỷ.
Ta tự hỏi rằng liệu những người ái kỷ có tình cảm với người khác không và ngược lại. Những người ái kỷ thường không chỉ có một mà lại có rất nhiều bạn tình bởi sự thu hút với vẻ ngoài lạnh lùng và kiêu ngạo. Tuy nhiên người ái kỷ nhìn nhận mối quan hệ với người khác giới như một cách để phô bày sự ngưỡng mộ chính mình. Với họ, không gì sánh được cái tôi ảo tượng của họ. Cho nên, họ không bao giờ trân trọng nỗ lực của người yêu mình. Họ đòi hỏi đối phương phải đáp ứng mọi yêu cầu mà họ đưa ra. Tuy nhiên , việc cố gắng làm hài lòng những người ái kỷ là vô ích, như lấp đầy một cái hố không đáy.
Khi hai người ái kỷ trong một mối quan hệ, cái tôi của họ tranh đấu nhau trong việc đưa ra các quyết định trong cuộc sống. Cả hai luôn bày tỏ nguyện vọng của bản thân là quan trọng hơn đối phương. Đối với họ, sự nhượng bộ chẳng khác nào tự nguyện gạt đi cái tôi, từ bỏ quyền lực và kiểm soát. Chính vì thế, những người ái kỷ thể hiện tình yêu một cách lạnh nhạt bởi họ luôn muốn che giấu sự yếu mềm bên trong bằng cái vẻ mạnh mẽ và lãnh đạm. Những tranh cãi là không thể thiếu khi hai người ái kỷ ở cạnh nhau. Tuy nhiên, họ không thể sống thiếu nhau và sẽ cảm thấy cuộc sống là vô nghĩa khi bị đối phương rời bỏ.
(*) DSM-V (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – V): Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần, tái bản lần 5 của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ. ================== Nguồn: Understanding the Mind of a Narcissist. Darlene Lancer, JD. PsychologyToday. Ảnh: St Vivian Dao dịch.
コメント